Nghịch lý thị trường hành, tỏi

Admin

Trong khi hành, tỏi Việt Nam thường rơi vào cảnh phải giải cứu thì mặt hàng này nhập ngoại lại chiếm lĩnh thị trường.

Đâu là giải pháp để giúp người nông dân tiêu thụ các loại gia vị phổ biến, hầu như không thể thiếu trong bữa cơm người Việt, qua đó nâng cao giá trị chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp?

Thừa nhưng thiếu

Ông Tô Văn Huấn, chuyên viên Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho hay ở Việt Nam đã hình thành một số vùng chuyên canh trồng hành lấy củ (hành khô). Trong đó, tỉnh Hải Dương có nguồn cung lớn nhất với 110.000 tấn/năm, tỉnh Sóc Trăng đạt sản lượng 90.000 tấn/năm, tỉnh Quảng Ngãi 9.500 tấn/năm, tỉnh Ninh Thuận 6.300 tấn/năm... Tuy hành được trồng ở nhiều vùng, miền khác nhau nhưng vụ thu hoạch cao điểm đều vào tháng 2 và 3 hằng năm nên áp lực tiêu thụ rất lớn. Đa phần nông hộ đưa sản phẩm ra tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch khiến tình trạng rớt giá thường xảy ra, thậm chí một số năm phải "giải cứu" hành khô. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với những vùng trồng tỏi song do diện tích và sản lượng trồng tỏi ít hơn nên mức độ khó khăn không quá lớn.

Tại tỉnh Hải Dương, nông dân canh tác giống hành củ lớn, có kinh nghiệm bảo quản nên trữ được thời gian dài hơn một số nơi khác, song vẫn cần cải thiện. Còn ở tỉnh Sóc Trăng, người trồng hành chưa có công nghệ bảo quản phù hợp với giống hành tím Vĩnh Châu nên tiêu thụ gặp khó khăn hơn, giá cả lên xuống thất thường. "Trồng cây hành thường gặp sâu bệnh nhiều nên chưa trồng rải vụ được. Rất cần có quy trình bảo quản giúp sản phẩm ít hao hụt, bảo đảm an toàn thực phẩm và chi phí hợp lý để giúp nông dân thu hoạch một lần, bán quanh năm" - ông Huấn nói.

Nghịch lý thị trường hành, tỏi - Ảnh 1.

Hầu hết bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình đều sử dụng gia vị tươi nhưng sản phẩm trong nước vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường nội địa. Trong ảnh: Một sạp gia vị tươi tại chợ truyền thống ở TP HCM

Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP HCM), cho biết hiện tại, thương nhân tại chợ chủ yếu kinh doanh hành tím Sóc Trăng, hành trắng Hải Dương vì nguồn hàng trong nước dồi dào. Tuy nhiên, từ sau tháng 4, thương nhân sẽ bán hành, tỏi Trung Quốc, Ấn Độ vì hàng trong nước khan hiếm, giá cao.

"Hành tím Việt Nam chỉ rộ một thời gian ngắn rồi đứt hàng trong khi nhu cầu thị trường rất lớn nên thương nhân bán hàng ngoại là điều dễ hiểu. Hành, tỏi Trung Quốc là mặt hàng giá rẻ nên được vận chuyển bằng tàu biển, cước phí thấp hơn xe tải. Sản phẩm được bảo quản trong container lạnh, bán hàng đến đâu thì lấy ra đến đó nên tránh được hao hụt" - ông Phương lý giải.

Góp ý giải quyết tình trạng ùn ứ hàng trong thời gian thu hoạch rộ, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM (FFA), cho hay có thể sử dụng container lạnh đặt tại vùng thu hoạch để bảo quản sản phẩm, hạn chế hao hụt. "Đây là nguyên liệu mà doanh nghiệp (DN) hội viên FFA sử dụng rất nhiều. Riêng sản xuất sản phẩm ăn liền đã cần đến 7 tỉ gói gia vị mỗi năm. Đã có DN mì gói thực hiện thử nghiệm cách bảo quản hành, tỏi như trên và tương đối thành công" - bà Chi gợi ý.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều hội chợ thực phẩm quốc tế ở Việt Nam, nhiều DN nước ngoài đã đem sản phẩm hành, tỏi đến chào hàng. Chất lượng, hương vị của các loại hành, tỏi ngoại thường chỉ bằng 70% so với hàng trồng ở Việt Nam nhưng giá bán chỉ bằng 50%. Các nhà cung cấp còn cam kết nguồn hàng và giá cả ổn định.

Ông K.V.T, chủ một nhà hàng tại quận 7 (TP HCM), cho hay mặc dù nhiều nhà hàng thích chế biến món ăn với gia vị là hành, tỏi Việt Nam bởi hương vị đặc trưng nhưng rất cực, tốn công lao động, chưa kể giá thường cao hơn hàng nhập khẩu nhiều lần. Bởi vậy, hành, tỏi nội hiếm khi vào các bếp ăn chuyên nghiệp.

Ông Lê Vương Quốc, Phó Giám đốc Công ty CP Gimex Việt Nam, chỉ rõ hành tím Việt Nam nổi tiếng về chất lượng nhưng khó cạnh tranh về giá. Chẳng hạn, hành tím Sóc Trăng ở thời điểm thu hoạch có giá 25.000-30.000 đồng/kg, trong khi hành tròn của Ấn Độ chỉ có giá 250 USD/tấn (tức hơn 6.000 đồng/kg). Về mẫu mã, loại hành củ không có tép nhỏ được thế giới ưa chuộng vì dễ lột vỏ trong khi hành Việt Nam có nhiều tép nhỏ gây mất thời gian sơ chế. Ông Quốc đề nghị ngành NN-PTNT hỗ trợ nông dân trồng hành, tỏi thay đổi quy trình sản xuất, nghiên cứu giống mới, tăng năng suất, giảm giá thành để nâng khả năng cạnh tranh không chỉ ở thị trường nội địa mà còn phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Bộ NN-PTNT, hành, tỏi trồng tại Việt Nam được đánh giá cao và xứng đáng là "đặc sản". Bởi vậy, sản phẩm này không thể cạnh tranh về giá với các mặt hàng đại trà, chất lượng thấp hơn. Tuy nhiên, để bán được với giá "đặc sản", người trồng cần tiếp tục chăm chút sản phẩm, cải tiến sau thu hoạch cũng như đẩy mạnh liên kết với DN thu mua để xây dựng thương hiệu.

"Xu hướng trên thế giới là gia vị được sử dụng ngày càng nhiều bởi gia vị còn là dược phẩm, hỗ trợ tốt cho sức khỏe. Cần tăng cường chế biến sâu đối với sản phẩm này để nâng cao giá trị, kéo dài thời gian bán hàng" - ông Nguyễn Như Tiệp khuyến cáo.

Tín hiệu vui từ xuất khẩu

Theo số liệu của Trung tâm Tin học Thống kê - Bộ NN-PTNT, năm 2022, giá trị xuất khẩu hành, tỏi và hẹ của Việt Nam đạt 31,2 triệu USD; tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hơn 90% sản lượng xuất khẩu sang các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ..., tăng gấp 4 lần so với năm 2021.